Lữ hành Saigontourist: Cột mốc khó quên ở tuổi 45

  • 14/11/2020

(TBKTSG) - LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 - 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Nhân dịp 30 năm nhìn lại, TBKTSG thực hiện loạt bài viết về một số trong những doanh nghiệp/doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu. (Xin mời độc giả xem từ số 43-2020, ngày 22-10-2020)

Dịch vụ dành cho khách du lịch tàu biển quốc tế là một trong những thế mạnh nhiều năm qua của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist. Ảnh: Đào Loan

Cho đến thời điểm này, nhân viên của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist vẫn chưa thể đi làm trọn ngày công của tháng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trò chuyện với TBKTSG, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Y Yên, đánh giá khó khăn sẽ còn kéo dài, nhưng công ty đã chuẩn bị để có thể vượt “bão”, nhờ vào nguồn nhân lực được bảo toàn gần như trọn vẹn và sức mạnh của thương hiệu được gầy dựng suốt 45 năm.

TBKTSG: Gần đây ông đi khá nhiều, có vẻ như thị trường đang ấm lên?

- Ông Nguyễn Hữu Y Yên: Đúng vậy, du khách đã đi du lịch trở lại từ tuần cuối của tháng 9. Tuy nhiên, sự chuyển động đó chưa thể giúp chúng tôi trở lại hoạt động bình thường. Những tháng tới vẫn rất khó khăn vì tháng 11, 12 không phải là thời điểm của du lịch nội địa.

Mảng du lịch nước ngoài và đưa khách quốc tế đến Việt Nam lại càng khó hơn vì Chính phủ vẫn chưa mở cửa thị trường quốc tế. Chúng tôi đã chuẩn bị để đương đầu với khó khăn trong vòng một, hai năm tới. Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là duy trì đội ngũ.

Gần đây, toàn bộ lãnh đạo thường xuyên đi làm việc trực tiếp với các chi nhánh. Chúng tôi muốn trò chuyện để hiểu suy nghĩ của nhân viên trong bối cảnh khó khăn như thế này và cũng để nhân viên hiểu về định hướng, chiến lược của công ty trong thời gian tới. Dĩ nhiên, nội dung của các buổi làm việc đó còn là để tìm cách gia tăng lượng khách.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên.

TBKTSG: Ở hai lần trao đổi lúc sau giãn cách và sau lần bùng phát dịch lần hai, ông cũng nhấn mạnh là phải duy trì đội ngũ, nhưng có ý kiến cho rằng trong lúc quá khó khăn mà cố giữ người thì có thể khiến cả hai phía cùng “chết chìm”. Tại sao ông vẫn giữ quyết định này?

- Đó là vì người lao động và cả công ty. Chúng tôi từng nghĩ dịch sẽ hết vào tháng 4 để có thể bắt đầu ngay sau đó cho nên ở giai đoạn giãn cách xã hội, khi thị trường đã rất khó, nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động, thì chúng tôi vẫn trả lương đầy đủ cho nhân viên.

Lúc đó, tuy không có khách nhưng toàn bộ nhân viên vẫn làm việc để củng cố, sắp xếp lại bộ máy, đào tạo nhân sự, chuẩn bị sản phẩm... cho mùa hè, mùa kinh doanh lớn nhất trong năm. Mọi việc như dự định, đến tháng 5, bộ phận du lịch nước ngoài và đón khách quốc tế vào Việt Nam hoàn tất việc chuyển đổi sang nội địa, dồn lực phát triển thị trường và đã đem lại kết quả trên cả sự mong đợi. Doanh thu trong tháng 7 bằng 50% cùng kỳ năm ngoái, thời điểm khai thác cả ba mảng.

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại, tất cả ba mảng đều về số 0. Chúng tôi lại phải thay đổi, quyết định trong tháng 8 vẫn duy trì lương nhưng đến tháng 9 thì cắt dần. Khó khăn nhất để điều hành doanh nghiệp hiện nay là tình hình thị trường diễn biến quá nhanh nên các chiến lược ứng phó cũng phải thay đổi liên tục, vừa đưa ra đối sách cho tháng này thì lại phải thay đổi vì tình hình đã khác.

“Tôi đọc TBKTSG thường xuyên, tờ báo đem lại nhiều thông tin hữu ích. Theo tôi, TBKTSG nên đẩy mạnh hơn nữa mảng thông tin doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào làm tốt nên có bài khen ngợi; doanh nghiệp chưa hay cũng nên phản ảnh. Đặc biệt, việc giới thiệu những gương mặt làm ăn tốt, những cách làm hay, những xu hướng phát triển kinh tế mới trên thế giới cần được đăng tải nhiều hơn để doanh nghiệp tham khảo. Với du lịch, chúng tôi cũng cần nhiều hơn nữa các bài viết phân tích chuyên sâu của tất cả các mảng trong thị trường này”.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên,
Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist

Chúng tôi nghĩ rằng, trong lúc này mà chọn cách tạm dừng, ai về nhà đó, đợi mở cửa lại khi tình hình ổn định thì dễ hơn cho nhà điều hành nhưng lại ảnh hưởng đến người lao động vì việc chuyển nghề trong lúc này là cực kỳ khó khăn, mà đằng sau mỗi nhân viên còn là gia đình họ và cả lòng yêu nghề, muốn được làm nghề. Do đó, chúng tôi chọn cách cả hai phía đều cố gắng để vượt dịch. Phía công ty duy trì các chế độ tối thiểu để nhân viên giữ được việc làm. Phía người lao động cũng chịu khó để giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, giữ được nguồn nhân lực nhằm có thể trở lại sớm nhất và chịu đựng được tác động của dịch lâu nhất có thể.

Tất cả nhân viên chia sẻ điều này. Hiện tại, tuy nhiều người đã phải làm thêm một số công việc tạm thời để có thêm thu nhập mùa dịch nhưng tỷ lệ nhân viên rời đi rất thấp. Trước dịch, lữ hành Saigontourist có 1.200 nhân viên trên khắp cả nước, nay còn 1.050 người.

TBKTSG: Định hướng thị trường của lữ hành Saigontourist thay đổi như thế nào khi đại dịch xảy ra?

- Cũng như nhiều công ty khác, nội địa hiện là thị trường chính của chúng tôi. Nhưng đây không phải là quyết định quay lại thị trường tạm thời khi mảng du lịch nước ngoài và đưa khách quốc tế đến phải tạm ngưng, mà là chiến lược lâu dài. Từ trước đến nay, chúng tôi đã xác định phải phát triển cả ba mảng và là một trong số ít công ty lữ hành làm được điều này. Trong số 1,4 triệu lượt khách và 5.000 tỉ đồng doanh thu của năm ngoái, cả ba mảng này đóng góp khá đồng đều.

Tuy nhiên, do dịch bệnh cùng với tình hình bão lũ trong thời qua nên chúng tôi có thay đổi việc khai thác. Trong đó, khu vực miền Trung, nơi chiếm đến 30% doanh thu của chúng tôi phải tạm dừng từ tháng 8 nên các điểm đến cho du khách và việc khai thác khách hàng mới chuyển sang phía Bắc và phía Nam.

TBKTSG: Năm nay là năm đặc biệt với lữ hành Saigontourist vì là năm kỷ niệm 45 năm thành lập. Công ty từng có kế hoạch rất đặc biệt cho năm nay, kế hoạch có thay đổi không, thưa ông?

- Năm ngoái, chúng tôi đạt doanh thu 5.000 tỉ đồng, đi trước kế hoạch và ấp ủ hy vọng sẽ tạo nên một cột mốc tăng trưởng về doanh thu, thị trường và mạng lưới trong kỷ niệm 45 năm thành lập vào năm nay, nhưng đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ. Tuy nhiên ở một góc độ nào đó, cũng có thể coi đây là năm có “cột mốc” đáng nhớ, chúng tôi đã vận hành doanh nghiệp trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt của thị trường.

Hiện tại, mục tiêu ngắn hạn là duy trì đội ngũ nhưng chúng tôi vẫn giữ kế hoạch lâu dài là đưa lữ hành Saigontourist hội nhập thị trường du lịch quốc tế.

Trên thị trường, các doanh nghiệp hiện mới chủ động trong việc khai thác khách và điều hành dịch vụ ở thị trường nội địa, khi đưa khách ra nước ngoài thì gần như giao hết dịch vụ cho các đối tác. Với mảng tour đến Việt Nam cũng tương tự, doanh nghiệp trong nước chỉ đóng vai trò điều hành tour còn việc khai thác thị trường, lấy khách về như thế nào thuộc về đối tác nước ngoài.

Sau 45 năm phát triển, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu mạnh, đội ngũ nhân viên giỏi nghề, hệ thống 18 chi nhánh trải dài khắp cả nước, các kênh bán hàng trực tuyến-ngoại tuyến hiệu quả, số lượng sản phẩm/dịch vụ đa dạng. Đây là vốn liếng để lữ hành Saigontourist quyết định “bước ra ngoài”, lấy thị trường nội địa gần 100 triệu dân làm sức mạnh để phát triển.

Chúng tôi có kế hoạch không chỉ khai thác khách và điều hành tour tốt tại thị trường Việt Nam mà còn làm được điều này ở thị trường quốc tế. Thậm chí, trong kế hoạch dài hạn đã tính đến việc đầu tư ở điểm đến nước ngoài để thực hiện kế hoạch này. Nhưng như đã nói ở trên, dịch bệnh đã làm thay đổi rất nhiều thứ nên khi hết dịch phải tính toán, sắp xếp rồi mới biết cần phải tiến hành các bước như thế nào, thời gian như thế nào.