Lên núi đi chợ Phiên

Vượt qua những ngọn núi cao, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối, những con đèo quanh co, bạn sẽ đến với những phiên chợ vùng cao, nơi bắt gặp các sắc tộc của các đồng bào dân tộc và những thứ chỉ có ở núi rừng.

Trang phục màu sắc của các cô gái còn được đính thêm nhiều hạt cườm lấp lánh

Trong hầu hết các dịp đến với vùng núi Ðông và Tây Bắc của Tổ quốc, tôi luôn cố gắng sắp xếp để được dừng chân ở một thị trấn vào ngày Chủ Nhật. Lý do rất đơn giản, tôi muốn được dự phiên chợ cuối tuần cùng các cô gái, chàng trai đến từ các bản làng, từ sau các ngọn núi. Dạo chợ để trầm trồ với những món đồ dân dã, thủ công, các loại rau củ đặc trưng của núi rừng, được hòa cùng không khí ồn ào của chợ và được ngắm các cô gái má đỏ hây hây xúng xính trong những bộ trang phục cầu kỳ và màu sắc xuống chợ chơi.

ĐI CHỢ PHIÊN LÀ ĐI TRẨY HỘI
Sùng Su Ni là người dân tộc H'Mông. Cô bé Su Ni chỉ vài ngày nữa sẽ bước sang tuổi 16. Ðể mừng sự kiện này, bố Su Ni là Sùng A Lềnh quyết định cuối tuần này sẽ cho cô con gái xuống phố đi chợ phiên. Càng gần ngày xuống chợ, trái tim Su Ni càng đập mạnh hơn. Su Ni biết, ở dưới chợ có các bạn gái đang đợi mình và cũng có chàng trai mà cô muốn gặp.

Sáng Chủ Nhật, Su Ni dậy từ lúc trời còn tối mịt, nhờ mẹ mặc giúp bộ quần áo đẹp nhất mà cô bé đã tự làm suốt mấy tháng nay. Ðể xuống chợ, cô phải vượt qua cả một dãy núi cao.

Khách du lịch nào cũng muốn có môt kiểu ảnh chụp cùng những người phụ nữ dân tộc trong trang phục sặc sỡ

Su Ni chính là cô gái điển hình bạn sẽ gặp trong các phiên chợ vùng núi. Ðể có bộ trang phục đẹp diện đi chợ, các cô gái đôi khi phải mất hàng tháng mới chuẩn bị xong. Trang phục phải đầy đủ gồm ta (váy xòe), so (áo cổ chữ V), lăng (thắt lưng), xế (tấm vải che trước váy), khử lau (xà cạp quấn chân) thì mới thể hiện được sự khéo tay của chủ nhân. Dĩ nhiên không thể thiếu đồ trang sức gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn. Bởi thế nếu đến chợ, theo chân một cô gái, bạn sẽ bị mê mẩn bởi mỗi bước chân cô đi, phần chân váy dập dìu theo bước như một bông hoa trong gió, kèm theo đó là tiếng lẻng xẻng vui tai của những món đồ trang sức bằng bạc va vào nhau.

Chỉ có đi chợ phiên bạn mới có thể gặp nhiều kiểu trang phục đến thế. Muốn biết các cô gái H'Mông thuộc sắc tộc nào thì cứ dựa vào màu sắc bộ quần áo là biết. Mặc toàn đồ đen thì chắc chắn là Mông đen, đồ trắng thì là Mông trắng, còn cứ đủ màu sặc sỡ thì đó là Mông hoa... Cô gái Dao đỏ thì nổi bật với chiếc khăn đội đầu màu đỏ, cô gái Pà Thẻn thì đội khăn màu chàm quấn thành nhiều vòng trên đầu. Bộ trang phục của cô gái Hà Nhì chỉ tuyền một màu đen nhưng chiếc mũ và hai ống tay áo thì lại vô cùng cầu kỳ với đủ thứ trang sức nhỏ xíu được gắn lên trên...

Nhìn qua thì bộ quần áo có vẻ giống nhau nhưng thực ra mỗi bộ đều được thêu một kiểu hoa văn khác nhau

Xuống chợ phiên diện đồ đẹp không phải chỉ vì muốn mình đẹp mà còn là cách để các cô gái "khoe" sự khéo tay của mình với các chàng trai cũng như chị em bạn gái. Bộ trang phục càng cầu kỳ, càng có nhiều hoa văn hay chi tiết lạ mắt có nghĩa là cô gái đó tương lai sẽ là một người vợ tốt, biết chăm lo vun vén cho gia đình.

ĐI CHỢ CHẲNG CẦN MUA BÁN, GẶP NGƯỜI QUEN CŨNG ĐỦ VUI RỒI
Bố Su Ni ngoài việc đưa con gái đi chơi, ông cũng xuống chợ để tìm mua chiếc lưỡi cày mới để chuẩn bị cho mùa cấy sắp tới. Ông cũng tranh thủ gặp mấy người bạn sống ở phía bên kia núi hỏi xem ngày nào tốt để ra ruộng và bán vài chiếc gùi mà ông tự tay đan để lấy tiền mua thêm vài món đồ.

Sạp hàng của một bà thầy lang, bán đủ các loại thảo mộc chữa bệnh

Hầu hết những món hàng của người dân tộc mang ra bán đều là sản phẩm "homemade" chính hiệu

Khung cảnh nhộn nhịp ở cổng chợ phiên Mèo Vạc, Đồng Văn

Lên chợ phiên mới thấy việc họp chợ quan trọng thế nào trong đời sống. Dĩ nhiên, nhiệm vụ lớn nhất của chợ vẫn là nơi để trao đổi, mua bán hàng hóa. Từ sáng sớm tinh mơ, khi sương vẫn còn lẩn quẩn dưới chân, chợ đã có người. Lối vào chợ bao giờ cũng là nơi mấy hàng đồ ăn thơm phức. Nào là bánh rán bằng bột khoai lang nóng hổi, món mèn mén làm từ ngô (bắp) xay bằng cối đá thật nhuyễn rồi hấp lên thơm phức. Hấp dẫn nhất chắc chắn là món xôi ngũ sắc, món xôi năm màu tượng trưng cho ngũ hành được nấu từ loại nếp thơm và nhuộm bằng các loại lá và vỏ cây rừng tỏa ra mùi thơm quyến rũ theo làn khói.

Cửa hàng bán thảm làm bằng thổ cẩm thêu tay luôn hấp dẫn những ai muốn trang trí nhà cửa

Khu vực bán rau chủ yếu là phụ nữ. Mấy mớ rau được trồng từ vườn nhà hay ruộng được buộc cẩn thận bằng sợi rơm khô khiến người dưới xuôi lên thích thú. Hàng rau chủ yếu vẫn bán rau cải, loại rau sống sót được trong thời tiết khắc nghiệt của vùng núi, cạnh mấy mớ rau là vài loại củ rừng để ngâm rượu uống hay xoa bóp. Hàng thuốc của mấy bà lang thì tấp nập người đến xin thuốc và bùa tránh tà ma. 

Dù chỉ xuống chợ để bán vài bó rau nhưng phải diện bộ trang phục đẹp nhất để bằng chị, bằng em

Ðến chợ phiên, khách dưới xuôi còn bắt gặp những món đồ nhiều khi đã "tuyệt chủng" ở thành phố hiện đại. Ðó là vài chiếc chổi tre, vài ba chiếc rổ rá được đan đơn sơ, lưỡi cày... Ðám đàn ông thì tụ tập đông nhất ở hàng thuốc lào, hàng bán trâu ngựa, các loại gia cầm và cả hàng bán rượu.

Đừng quên tậu vài món đồ về nhà làm kỷ niệm trong chuyến đi dạo chợ phiên buổi sáng

Việc mua bán quan trọng là vậy nhưng với nhiều người đi chợ phiên cũng như là một chuyến xuống phố đi chơi, gặp bạn bè tám chuyện. Vậy nên nhiều người dù dắt theo cả đàn lợn hay mang cả thùng rượu, mấy món đồ để bán mà không có ai mua thì lại gùi về nhà. Với họ, gặp được bạn bè trong vài tiếng ngắn ngủi, bàn về thời tiết mùa màng hay nương rẫy đã là đủ vui rồi.

Có lần đi chợ phiên Mèo Vạc tôi còn thấy anh chàng kia nằm ngủ bên đường, cô gái đứng bên cạnh lấy lá chuối che để không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt người đàn ông. Hỏi ra mới biết anh chồng xuống chợ gặp bạn nên uống quá chén không về nổi, cô vợ không những kiên nhẫn đợi chồng hết say mà còn tìm đủ cách để chăm sóc chồng, che nắng vì sợ chồng sẽ bị ốm. Mấy anh bạn đi cùng tôi nghe chuyện còn ra chiều nể phục vì gặp vợ dưới xuôi thì sẽ lớn chuyện rồi.        

Chợ phiên nào cũng không thể thiếu món thắng cố, món ăn nấu bằng các loại nội tạng và tiết động vật nổi tiếng đến mức ai cũng biết tên. Giữa chợ, chảo thắng cổ nghi ngút khói như chèo kéo người đi chợ đến gần. Những ngày trời lạnh, nồi thắng cố lại là nơi tấp nập khách nhất. Dẫu nổi tiếng nhưng theo nhiều người đây cũng chính là món ăn đáng sợ bậc nhất. Hiếm có người Kinh nào đủ dũng cảm để thử món ăn đặc biệt này ở chợ.

Cô gái dân tộc ở chợ phiên Mèo Vạc làm duyên khi được đề nghị chụp ảnh

Chợ phiên qua năm tháng đã có vô số thay đổi. Nhiều món đồ hiện đại đã hiện diện nhưng tinh thần đi chợ phiên thì dường như vẫn còn nguyên vẹn. Nhìn các cô gái đứng túm tụm cười nói trong những bộ trang phục màu sắc, khách lữ hành dường như cũng vui lây.

● MÁCH NHỎ:
Chợ phiên là nét văn hóa độc đáo của người dân vùng núi phía Bắc Việt Nam. Ngoài cảnh đẹp, vùng núi Đông Tây Bắc còn hấp dẫn du khách bởi nhiều nét văn hóa độc đáo, hoang sơ. Tham khảo hành trình tại: www.saigontourist.net. Hotline: 1900 1808.

Tuyến điểm: Việt Nam

related image

Ban Mê mùa “Tuyết cà phê”

Xem thêm
related image

Cơm Hến, món ăn đậm hồn Huế

Xem thêm
related image

Để hành trình với bé thật vui

Xem thêm