Những điều thú vị ở đất nước Campuchia

1. Những bí ẩn về việc xây dựng quần thể Angkor, chỉ toàn bằng đá, không có chất kết dính và điêu khắc cực kỳ tinh xảo. Đó là kỳ quan của thế giới về điêu khắc và kiến trúc..



2. Công viên khảo cổ Angkor với hàng trăm đền thờ, rải đều trong diện tích 420km2, là kinh đô Khmer từ đầu thế kỷ X đến giữa thế kỷ XV. Ngoài Angkor còn có các cố đô khác là Sambor Preykuk (Kampong Thom, thế kỷ VI-VIII); núi Kulen (Siem Reap, thế kỷ VIII-IX), Oudong (Kampong Speu, 1505-1866), Phnom Penh (1432-1505 và 1866 đến nay) với nhiều kiến trúc cổ.


Độc đáo hơn cả là bức phù điêu khổng lồ dưới lòng sông, dài 4.200m có tên gọi “Dòng sông ngàn Linga” (thượng nguồn sông Siem Reap) trên núi Kulen với cơ man nào linga, yoni, tượng thần… Ước tính, Campuchia hiện có gần 1.400 đền thờ và chùa cổ từ 300 đến 1.700 tuổi. Riêng tỉnh Preah Vihear, có đền thiêng cùng tên, ngay sát biên giới Campuchia và Thái Lan, có 225 đền thờ cổ.
Nếu muốn, Campuchia có thể lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hàng trăm di sản thế giới chứ không chỉ có hai như hiện nay (Angkor Wat và Preah Vihear).


3. Giá vé tham quan quần thể Angkor bán theo ngày, trọn gói là 20 USD/người. Nếu đi ba ngày thì free một vé, đi sáu ngày thì free ba vé; du khách mua vé ngay tại trạm. Để chống vé giả hoặc dùng chung, trên vé có dán ảnh cá nhân chụp bằng webcam rất nhanh và hiện đại. Các điểm tham quan ở Campuchia đều bán vé theo cụm hoặc tỉnh, không bán lẻ từng điểm.


Hai mươi năm qua, nơi đây chưa một lần tăng giá vé. Đặc biệt, người Khmer, quốc tịch Khmer hoặc sinh tại Campuchia đều được miễn vé tham quan Angkor và Preah Vihear, vì đây là di sản thế giới do tổ tiên người Khmer để lại nên con cháu được thừa hưởng. Tất cả người nước ngoài, kể cả hướng dẫn viên đều phải mua vé. Các công trình kiến trúc ở cố đô Siem Reap chỉ có thể cao dưới 65m vì đó là chiều cao của đỉnh tháp lớn Angkor Wat.


4. Để khuyến khích du khách đến viếng đền Preah Vihear nhiều hơn; sau khi cửa vào đền từ Thái Lan đóng lại, Campuchia miễn phí tham quan dù vẫn xuất vé để kiểm soát. Phức hợp giải trí năm sao Thansur Bokor, trên cao nguyên cùng tên thuộc tỉnh Kampot cũng mở cửa cho du khách vào tham quan thoải mái nếu không có nhu cầu ngủ lại. Thậm chí có thể mang theo đồ ăn, thức uống để ăn trưa.

 

 


5. Quốc giáo Khmer là Phật giáo Nam tông, người đứng đầu hiện nay là Đại tăng thống Tep Vong, còn gọi là Vua Sãi, trụ trì chùa cổ Ounalong (bên cạnh Hoàng cung). Quốc hoa là hoa cây thị, tiếng Khmer gọi là Chan, tiếng Phạn là Rumdoul.

 

Quốc hoa của Camphuchia


Dựa theo triết lý “Cái gì không phải của mình, thì mình không lấy” nên người Khmer thật thà, ít thấy trộm cắp, nhất là tài sản chung. Không ai hỏi hộ chiếu của khách, kể cả khi vào khách sạn. Đi ăn buffet cũng không phải dán ticket lên ngực để kiểm soát như ở nhiều nơi trên thế giới. Dọc đường từ Kampong Thom lên Siem Reap, quốc lộ 6 liên tục phải uốn cong để tránh hàng chục cây cầu cổ bằng đá ong. Không có ai canh giữ, không rào chắn, cũng không có bảng cấm nhưng hơn ngàn năm qua không hề mất một tảng đá nào!


6. Người Khmer theo chế độ mẫu hệ, con gái cưới chồng, con trai phải ở rể. Phong tục này có từ sự tích núi Chàng và núi Nàng ở Kampong Cham, gần giống sự tích Ao Bà Om ở Trà Vinh. Vì con trai thua trong cuộc thi đắp núi (ở Việt Nam là đào ao) nên phải về nhà con gái ở.
Họ lý giải “Con trai là trụ cột gia đình, thường xuyên đi làm xa. Con gái ở với mẹ ruột thì tốt hơn, nhất là lúc ốm đau, sinh đẻ”. Phụ nữ khi ly hôn, luôn nhận nuôi con, nhẹ nhàng chấp nhận nghịch cảnh một cách giản đơn vì “Chồng không còn thương mình thì chẳng mất công giữ. Buộc được chân chứ đâu buộc được trái tim”.

 

 

Một đám cưới của người Camphuchia


7. Vì xe hơi quá rẻ, nên gần như không có taxi, giao thông công cộng phổ biến là xe tuk tuk, bình dân thì có môtô remorque. Nhiều xe hơi không gắn bảng số, đậu lền khên vỉa hè nhưng không ai dám bẻ kính chiếu hậu hoặc tháo bánh. Đi mấy ngày có khi chưa gặp cảnh sát, cả nước chỉ có hai trạm thu phí ở quốc lộ 4 và quốc lộ 6. Phnom Penh gần như không có hẻm và không thấy nạn quảng cáo bậy trên tường.
Campuchia chưa có lưới điện quốc gia; các khách sạn, nhà hàng đều dùng máy phát riêng; xăng đắt hơn Việt Nam 30% nhưng giá phòng và các dịch vụ du lịch đều rẻ hơn Việt Nam từ 30 – 60%. Tại các trọng điểm, khách du lịch phải được hướng dẫn bởi các hướng dẫn viên do Bộ Du lịch cấp thẻ với đồng phục, logo, bảng tên và số hiệu từng nơi.


8. Khi khách lên viếng chùa Paang Thom, còn gọi là chùa Phật Lớn trên núi Kulen, rất nhiều trẻ em chạy theo xin giữ giày dép kiếm tiền mua sách vở. Khách lúng túng không biết chọn ai thì các em bảo “Cô chú cứ đồng ý, tụi con sẽ Pao”. Gật đầu, mới biết Pao là oẳn tù tì để chọn em may mắn. Không tranh giành cãi cọ.

 

 

Biển Sihanouk


Có lần đưa khách tắm biển Sihanuok nhằm ngày Chủ nhật, chúng tôi thấy sáng sớm mà người từ xa lố nhố. Cứ tưởng biểu tình, tới gần mới biết các em bán hàng rong tổ chức dọn vệ sinh bãi biển, có cảnh sát du lịch đi theo hỗ trợ. Máy dọn vệ sinh vẫn để lọt các rác nhỏ, các em tự nguyện thu gọn cho bãi biển đẹp hơn để du khách đến nhiều hơn và mua hàng cũng nhiều hơn.


9. Người Khmer ở nhà sàn, dùng tay bốc cơm, khi chào chắp tay trước ngực (tùy theo chức sắc và quan hệ mà chắp tay cao, thấp). Tuyệt đối không xoa đầu trẻ em, tránh đụng vào người phụ nữ, nhất là thôn quê, nếu chưa được đồng ý, kể cả việc bắt tay. Mỗi tỉnh Campuchia đều có tượng đài riêng gắn với lịch sử hoặc đặc sản truyền thống. Kampot có tượng đài trái Sầu Riêng. Kep có tượng đài Ghẹ biển…
Campuchia có nhiều tục ngữ dễ thương. Thích nhất là câu “Kó cờ bai, mê mai cờ srey, contui bray cờ thnam” (cơm nguội cũng là cơm, được nấu từ gạo, gạo dẻo thì cơm nguội ngon hơn cơm nóng. Bà giá cũng là con gái, y chang nhau, thường có kinh nghiệm hơn. Nhiều bà còn khuyến mãi con, có thể sai vặt được ngay. Mẫu dế nhũi cũng là thuốc lá. Hết tiền mua thuốc, đành lục tìm mấy mẫu tàn, hút đỡ vả)…

10. Ngày xưa, những món ăn từ côn trùng được biết đến là món ăn dành cho người nghèo ở Campuchia. Chỉ có người nghèo, không đủ điều kiện kinh tế để có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mới tìm bắt và chế biến thức ăn từ những côn trùng xung quanh nơi ở của mình. Thế mà, hiện nay các món ăn từ côn trùng trở nên phổ biến và nổi tiếng, được nhiều người đặc biệt là khách du lịch nước ngoài tìm đến như một đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến tham quan đất nước này.

11. Tiếng Khmer khó viết nhưng dễ học. Cứ ghép từng chữ như tiếng Việt. Những từ: “áo, mùng, kho (cá), quay (thịt); các loại bánh xèo, bột lọc, trôi nước…” có cách phát âm giống Tiếng Việt. Tiếng Việt là ngoại ngữ phổ biến nhất của người Khmer.

Tuyến điểm: Campuchia

related image

Đi tìm nàng Apsara

Xem thêm
related image

5 điều nhất định phải thử trên đảo Koh Rong Samloem

Xem thêm